Đình làng cổ Bát Tràng - một di tích nổi tiếng của ngôi làng gốm sứ nổi tiếng nơi đây. Trải qua nhiều tháng năm lịch sử, Đình làng cổ Bát Tràng tựa như một biểu tượng mà nếu đến đây nhất định bạn hãy nhớ ghé thăm.
Xã Bát Tràng nằm tả ngạn bên sông Hồng, gồm có hai thôn, gọi là Bát Tràng và Giang cao. Ngôi làng này có bề dày lịch sử, văn hóa sâu sắc cùng với nghề làm gốm trứ danh hàng trăm năm. Đình làng Bát Tràng hiện thuộc thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Nói ngôi đình này nhuốm màu thời gian quả không ngoa. Được xây dựng từ năm 1720, trải qua hơn 300 năm với biết bao thăng trầm lịch sử, ngôi đình bề thế vẫn tồn tại, tựa như một chứng nhân cho sự phát triển của những giá trị văn hóa và cái nghề gốm sứ nơi đây.
Đình làng cổ Bát Tràng có mặt quay về hướng Tây, nhìn ra dòng sông Hồng trù phú. Vì thế, nếu tham quan địa điểm này, bạn có thể đến vào buổi chiều tà để có thể ngắm hoàng hôn rực rỡ bên bờ sông Hồng, cảm nhận được sự bình yên nơi vùng đất gốm.
Nếu di chuyển từ trung tâm Hà Nội, bạn có thể đi đường bộ để đến thăm khu di tích một cách tiện nhất. Di tích nằm ngay sát sông hồng. Nếu đi bằng ô tô hoặc xe máy, bạn chỉ cần đi thẳng theo hướng đê Long Biên - Xuân Quan hoặc đi qua Khu đô thị Ecopark là sẽ tới đường Bát Tràng. Sau đó, tiếp tục đi thẳng đường làng Bát Tràng, bạn sẽ nhìn thấy sông Hồng rực đỏ và đình làng cổ nằm phía bên tay phải đường xuống.
Trước đây, người ta còn có thể đến tham quan di tích đình làng bằng đường thủy thông qua bến Chương Dương hoặc bến Phà Đen. Chính vì giao thông thuận lợi như thế, nên kiến trúc lịch sử chứa đầy văn hóa tâm linh này luôn thu hút được du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng.
Đình Bát Tràng nằm trên vị trí đắc địa gần với khu tham quan làng cổ với một mặt hướng ra sông Hồng xinh đẹp qua những hàng cây trải dài mướt mải. Di tích xây trên khu đất cao và có quy mô rộng. Đình làng Bát Tràng có kiến trúc đặc biệt, chủ yếu được làm từ gạch, gốm Bát Tràng.
Từ ngoài nhìn vào, bạn sẽ thấy nghi môn hùng vĩ cùng với sân đình thênh thang, thanh bình như trong những lời ca dao thuở bé. Bước tiếp vào mới đến phần đình chính bao gồm đại đình và hậu cung.
Về nghi môn, nghi môn đình Bát Tràng có dạng trụ, được xây bằng gạch. Đỉnh được tạc hai tượng nghê, bên dưới đắp nổi đề tài tứ quý. Dọc phía dưới là câu đối bằng tiếng Hán. Nghi môn có kết hợp với tường lửng cao khoảng 1,5m và được thiết kế với hai cổng nhỏ trên nắp giả mái. Từ cổng này lại được chạy dài bởi tường lửng để tạo thành tường bao.
Đi qua nghi ngôn là khu vực sân đình rộng khoảng 16x18m. Phía dưới sân lót gạch Bát Tràng.
Phần đại đình được xây theo kiểu nhà 8 mái với phần chính giữa là hình ảnh một con rồng lớn, đầu nổi cao vô cùng uy nghi. Bốn góc đao mái hơi vát gắn một đầu rồng và hình lưỡi mác. Phần đao mái dưới cũng có cấu trúc tương tự như vậy. Phần cổ diêm giữa 2 mái được bưng bằng gạch.
Các bậc lên xuống cũng có cấu trúc bằng gạch Bát để phần đình được đôn lên nền cao hẳn. Phần hiên rộng, đầu hồi đắp tượng hai ông tướng.
Phần hậu cung được nối với đại đình bằng 2 đầu bê tông hơi cong dài 4,7m trên nền cao 1,5m. Nó là một nếp nhà ngang xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tai ngai, mái lợp ngói ta.
Ngoài ra, đình làng Bát Tràng còn có tả hữu mạc, là nơi thờ tự những người có công với làng hay tổ tiên của các dòng họ trong làng.
Tả hữu mạc nằm phía sau nghi môn, ở hai bên sân đình. Tả Mạc để thờ tổ tiên, còn Hữu mạc là thờ quan ôn, quan đương niên.
Bước vào di tích Đình làng cổ Bát Tràng, bạn sẽ hiểu thêm được phần nào về văn hóa cùng những kiến trúc cổ gắn liền với làng gốm trong hàng trăm năm qua. Bên cạnh Đình làng cũng có nhiều các di tích tham quan lân cận. Nếu cần một chuyến đi tiết kiệm và nhanh chóng, liên hệ ngay Bát Tràng Tourist để được sắp xếp lịch trình hợp lý nhất có thể nhé.
0123.456.789